Nhờ có những thương hiệu smartphone nổi tiếng, Apple Pay và Samsung Pay được hy vọng sẽ tăng lượng ví điện tử được sử dụng trong năm tới. Đầu tháng này, Juniper Researh dự đoán tới cuối năm 2016 sẽ có 200 triệu người dùng ví điện tử trên toàn thế giới, gấp đôi năm ngoái.
Hồi tháng 8, Samsung cho ra mắt dịch vụ thanh toán điện tử với tên gọi Samsung Pay, đã triển khai tại Hàn Quốc và Mỹ. Anh, Tây Ban Nha và Trung Quốc dự kiến là những đích đến tiếp theo trong tương lai gần. Dịch vụ này cho phép người dùng thanh toán bằng thiết bị di động của Samsung tại các máy hỗ trợ thẻ tín dụng.
Samsung nhấn mạnh rằng công nghệ của họ hỗ trợ nhiều loại máy quẹt thẻ hơn hẳn Apple Pay và Android Pay. Tuyên bố này như phát súng khơi mào cuộc chiến không hồi kết với không chỉ những đối thủ của họ, mà còn cả các phương pháp thanh toán truyền thống.
Ví điện tử ngày càng trở nên phổ biến kể từ khi Apple Pay ra đời năm 2014. Thị trường tiếp tục được mở rộng khi Google tung ra Android Pay năm nay. Một số hãng bán lẻ lớn, trong đó có Target và Walmart còn liên kết mở ví di động riêng, có tên Current C, dự kiến đưa vào sử dụng trong năm tới.
Cuối tháng 11, LG cũng tuyên bố ra mắt nền tảng thanh toán kỹ thuật số có tên LG pay. Dịch vụ của họ liên kết với các hãng thẻ trong nước, gồm Shinhan Card và KB Kookmin Card, và các ngân hàng nội địa. Trước mắt, LG Pay sẽ chỉ áp dụng tại Hàn Quốc, Tech Crunch cho biết.
Công nghệ ví điện tử sử dụng chip truyền dữ liệu gần (NFC) cho phép người dùng smartphone thực hiện thanh toán từ xa. Ví sẽ lưu trữ thông tin về thẻ tín dụng và gửi mã xác nhận tới smartphone của người nhận khi giao dịch diễn ra. Thanh toán vẫn được thực hiện trong khi số thẻ tín dụng hoàn toàn được bảo mật, không bị người bán nhìn thấy.
"Những loại ví di động như Apple Pay, Android Pay và PayPal dự định hợp nhất mọi thanh toán trên tất cả các kênh về một phương pháp thanh toán di động an toàn và dễ sử dụng. Việc thanh toán sẽ trở nên thuận tiện ở bất cứ đâu", James Wester - Giám đốc hãng nghiên cứu IDC Financial Insights cho biết trên Fortune.
Mỗi năm, hàng nghìn tỷ USD được sử dụng trong thương mại. Những công ty cung cấp ví điện tử sẽ nhận được một phần nhỏ với mỗi thanh toán được thực hiện qua dịch vụ này. Vì vậy, ví điện tử nếu tiếp tục phát triển sẽ mang về lợi nhuận khổng lồ.
"Sớm muộn gì thanh toán thông thường cũng sẽ hoàn toàn bị thay thế trong thời đại kỹ thuật số này. Tuy nhiên, thanh toán điện tử hiện vẫn chỉ có quy mô nhỏ ở nhiều nơi, nhất là ở những quốc gia chỉ chấp nhận tiền mặt hay người dân ưa gửi tiết kiệm ngân hàng", Penny Gillespie - Giám đốc nghiên cứu của Gartner cho biết và khẳng định: "Thị trường ví di động vẫn còn non trẻ. Nói chung, người tiêu dùng không mấy hứng thú và cũng ít cửa hàng chấp nhận phương thức này".
Dù vậy, các công ty lớn vẫn cố gắng thay đổi điều đó. Apple quảng bá dịch vụ của mình là "một cách đơn giản để thanh toán tại cửa hàng". Google hứa hẹn người dùng sẽ có thể "mua sắm theo cách họ muốn". Samsung tuyên bố hỗ trợ tại nhiều địa điểm hơn các đối thủ. Trong khi đó, Paypal và MCX cũng nuôi hy vọng với dịch vụ của mình.
Tuy nhiên, thành công cũng chỉ là khái niệm tương đối. Theo Wester, thanh toán qua ví điện tử tại cửa hàng được dự báo đạt 15 tỷ USD trên toàn thế giới trong năm 2015. Con số này có thể lên 57 tỷ USD năm tới, nhưng vẫn còn rất nhỏ so với toàn thị trường. "Vấn đề mà tất cả các loại ví điện tử phải đối mặt là liệu họ có thực sự mang lại lợi ích so với phương pháp cũ hay không. Thanh toán bằng thẻ tín dụng trong cửa hàng cũng chẳng phải phải quá bất tiện. Cam kết bảo mật của ví điện tử cũng sẽ bị hạn chế bởi người tiêu dùng không phải chịu trách nhiệm gì khi gian lận xảy ra", Wester cho biết.
Vậy yếu tố nào sẽ giúp ví điện tử trở nên hấp dẫn hơn với người tiêu dùng? Theo Wester, đó chính là thương mại điện tử. Ông cho rằng nếu "khái niệm về thanh toán điện tử" được mở rộng để bao gồm những giao dịch kỹ thuật số, cơ hội cho các công ty sẽ "tăng lên 1.000 tỷ USD năm tới", vượt xa con số 57 tỷ USD kiếm được từ giao dịch tại cửa hàng. "Lợi thế của ví điện tử nằm ở những giao dịch trực tuyến, nơi mà việc nhập số thẻ, tên và địa chỉ nhận hóa đơn… thực sự rất phiền phức", ông nói.
Nhờ có những thương hiệu smartphone nổi tiếng, Apple Pay và Samsung Pay được hy vọng sẽ tăng lượng ví điện tử được sử dụng trong năm tới. Đầu tháng này, Juniper Researh dự đoán tới cuối năm 2016 sẽ có 200 triệu người dùng ví điện tử trên toàn thế giới, gấp đôi năm ngoái.
Tất cả những điều này làm dấy lên câu hỏi: Rốt cuộc thì ai sẽ thắng? Apple là công ty đi tiên phong, trong khi Google có lượng người dùng Android đáng gờm. Samsung Pay thì có lợi thế nhờ hỗ trợ đủ các loại máy thẻ tín dụng. Current C và PayPal lại đang khiến thị trường trở nên bão hòa. Rõ ràng, thời điểm này quá khó để khẳng định cái tên nào sẽ thống trị.
"Có vẻ Apple Pay và Android Pay đang lợi thế hơn bởi được tích hợp sẵn trên số lượng lớn smartphone. Dù chưa chắc chiến thắng, họ cũng đang ở vị thế cao hơn đối thủ một bậc. Các nhà cung cấp còn lại sẽ phải giải quyết vấn đề là làm thế nào để người dùng chịu sử dụng một hệ thống riêng biệt", Wester nhận định. Tóm lại, đây vẫn là cuộc chơi dành cho tất cả mọi người