Hôm nay sau khi đi học về và đọc báo linh tinh thì có một bạn blog hú hí than vãn về chuyện bản quyền bài viết. Anh ta chắc dường như đang rất “đau khổ” khi cứ vừa ra được bài nào là bị chụp bài đấy, việc này dẫn đến tình trạng các bài viết do anh ta viết lại có thứ hạng thấp hơn các trang copy lại, bởi website của anh ta không được tối ưu hóa tốt hơn, thứ hạng website của anh ta cũng thấp hơn, tuổi đời tên miền lại cũng thấp hơn.
Tại một diễn đàn về SEO của Việt Nam, nhiều người vẫn đang tranh luận về việc Google phân biệt thế nào giữa bài viết gốc và bài viết copy. Có khá nhiều ý kiến cho rằng thuật toán tìm kiếm của Google đủ thông minh để nhận dạng bài viết nguồn thông qua thời gian đăng bài viết của website đó, điều này mình thấy khá đúng và đã gặp một số trường hợp tương tự.
Tuy nhiên, về thuật toán này mình cũng không rõ cho lắm bởi hiện nay có rất nhiều website sao chép lại nội dung của trang khác mà thứ hạng vẫn khá cao về cả website và đường dẫn đến bài viết.
Vì vậy, câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để chống lại hành vi sao chép bài viết trên blog của mình? Làm sao tôi có thể giữ bản quyền cho bài viết và báo cáo cho các máy tìm kiếm?
Trước hết, điều đầu tiên chúng ta cần suy nghĩ đến là không nên phụ thuộc vào thuật toán của Google quá nhiều để rồi một ngày nào đó thấy bài viết của mình tràn lan trên mạng nhưng đường dẫn đến blog thì lại không thấy đâu. Vì vậy, trước khi chờ thuận toán của Google được tối ưu, hãy tự mình bảo vệ nội dung của mình trước, mình xin chia sẻ một số phương thức chống lại nạn sao chép bài viết mà mình biết được, hy vọng nó sẽ có ích cho nhiều người.
Đây là một trợ thủ đắc lực cho những website chuyên sao chép bài viết tự động qua RSS. Các website đó sẽ dùng một công cụ nào đó để tự động quét nội dung RSS của bạn theo một chu kỳ nhất định, vì thế để loại bỏ khả năng này, hãy tiến hành rút rút gọn RSS bằng cách chỉ cho phép hiển thị một phần nội dung và trỏ link đến bài viết trên blog của bạn.
Ở WordPress, bạn có thể làm bằng cách vào Settings -> Reading và chọn For each article in a feed, show là Summary.
Một cách đơn giản để copy một bài viết nào đó là tiến hành bôi đen nội dung bài viết sau đó dùng “thủ thuật” quen thuộc là Ctrl+C. Bởi vì cách sao chép đơn giản nên cách phòng chống cũng đơn giản, dùng javascript ngăn chặn không cho người dùng bôi đen trong bài viết nữa.
Có một cách tương tự giống với cách này đó là cấm click chuột phải, tuy nhiên cả 2 cách này không được khuyến khích cho lắm vì sẽ gây khó chịu cho người dùng khi đọc.
Nếu bạn đang sử dụng WordPress, bạn có thể sử dụng plugin miễn phí có tên WP Content Protected để làm việc này nhanh nhất.
Nếu bạn đã tiến hành rút gọn nội dung bài viết trong RSS mà vẫn bị copy mặc dù bạn được backlink nhưng thứ hạng giảm thì có thêm một cách nữa để phối hợp đó là điều chỉnh lại thời gian cập nhật bài viết trong RSS.
Mặc định là RSS của bạn sẽ được cập nhật trong khoảng thời gian vài giờ sau khi bạn công bố bài viết trên blog. Và bài viết của bạn được đưa vào RSS sớm bao nhiêu thì bạn bị sao chép nhanh bấy nhiêu. Để ngăn ngừa tình trạng này thì bạn hãy tiến hành tăng thời gian cập nhật RSS cho bài viết từ vài chục giờ tới vài ngày. Nếu bạn để ý thì các blog lớn trên thế giới đều áp dụng thủ thuật này.
Nếu bạn đang sử dụng WordPress thì có thể sử dụng plugin Feed Delay hoặc Feed Pauser. Nếu bạn thấy phiên bản plugin này đã quá cũ kỹ thì đừng lo lắng, nó vẫn chạy ngon lành cành đào trên phiên bản hiện tại của WordPress (3.4.1)
Cũng thêm một cách để chống lại cách sao chép bài viết thủ công bằng việc copy đó là tự tạo thêm một link bài viết nguồn khi họ sao chép và dán nội dung lên website. Điều này khá có lợi khi nếu họ copy mà không để ý thì coi như mình được giúp một tay xây dựng backlink :D .
Có một công cụ để làm việc này rất rất rất tốt đó là Tynt Publisher Tools. Tại sao mình lại nhất mạnh bằng nhiều chữ rất kia? Hãy xem những ưu điểm của nó dưới đây nhé.
Đây là một dich vụ giúp bạn bảo vệ bản quyền nội dung thông qua việc kiểm soát các website đang sao chép nội dung từ blog của bạn. Từ đó công cụ này sẽ giúp bạn loại bỏ những liên kết vi phạm bản quyền khỏi các máy tìm kiếm. Ưu điểm của dịch vụ này là nhanh chóng và tiết kiệm chi phí hơn là liên hệ với các website vi phạm để yêu cầu họ hoặc tự bạn nhờ các máy tìm kiếm can thiệp.
Nhưng đừng quên sau khi sử dụng dịch vụ này, hãy chèn các logo của dịch vụ tại các vị trí dễ thấy nhất để cảnh báo các “leecher” rằng bạn đang được bảo vệ bản quyền với một dịch vụ rất tốt.
Có rất nhiều leecher khá lười sửa bài viết sau khi copy, điều này có nghĩa là nếu trong bài của bạn có nhiều liên kết nội bộ thì họ sẽ dễ dàng bỏ cuộc hoặc không muốn copy bài của bạn một xíu nào.
Chèn liên kết nội không chỉ giúp các leecher nản lòng mà còn giúp bạn rất nhiều trong việc tối ưu bài viết để có thứ hạng cao ở máy tìm kiếm, vì thế hãy cố gắng tìm lại các bài viết khác có trên blog và chèn vào một số từ khoá có liên quan ở trong bài nhé.
Nếu không muốn kết quả tìm kiếm của bạn có thứ hạng thấp hơn các trang khác thì hãy tiến hành SEO On-page thật tốt để tối ưu với các công cụ.
Và trước khi kết thúc bài viết, mình xin nhắn nhủ một vài điều. Trước hết đây được coi như là một văn hóa mạng ngày nay, nếu bạn thấy nội dung có ích và muốn chia sẻ đến bạn bè thì có thể đăng bài nhưng hãy dẫn link đến bài viết nguồn của họ để giúp blog họ phát triển hơn và đồng thời có thể việc này sẽ giúp blog bạn có thứ hạng tốt hơn là sao chép lại nội dung nếu bạn có kiến thức về SEO. Việc làm của bạn sẽ tạo ra những pingback/trackback có chất lượng với những website nguồn tạo ra vòng liên kết nội dung liên quan, vừa có lợi cho người đọc, vừa có lợi cho bot tìm kiếm để cả 2 website cùng phát triển hơn là việc bạn “cố tình” tạo ra bài viết của riêng mình từ chính công sức của người khác.
Hy vọng với những phương pháp trên sẽ giúp bạn đẩy lùi vấn nạn khó chịu trong giới blogger hiện nay. Tuy nhiên danh sách trên chưa phải là tối ưu và hoàn thiện nhất, và mình cần những ý kiến đóng góp từ các bạn để hoàn chỉnh bài viết hơn.